Lịch sử Bà Nà

Bà Nà được đại úy bộ binh Marin Debay, phát hiện vào tháng 4 năm 1901 khi được lệnh Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer giao nhiệm vụ tìm kiếm một nơi có khí hậu mát mẻ để xây dựng khu điều dưỡng cho người Pháp ở Trung Kỳ.

“Kinh đô nghỉ hè của xứ Trung Kỳ” này được quy hoạch rất hoàn hảo, có đầy đủ bệnh viện, bưu điện, nhà hát opera. “Có cơm ăn, có phòng trọ, có chớp bóng, có thể thao, đủ các cuộc tiêu khiển, lại bao cả việc vận chuyển thư từ hàng hóa và kiêm việc mướn kiệu thuê xe nữa”, nữ sĩ viết tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, Huỳnh Thị Bảo Hòa, đã viết trong Bà Nà du ký.

Thống kê của Pháp năm 1925 cho biết, chỉ có chừng 120 du khách chọn Bà Nà để nghỉ ngơi. Sau khi đường lên đỉnh núi được hoàn tất, số du khách mới tăng dần, đến năm 1937 đã đạt được con số hơn 1.000 người, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Các dịch vụ như điện, nước, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, khách sạn… đã được đưa vào phục vụ du khách. Bà Nà dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương. Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn – Đà Lạt – Nha Trang – Quy Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội – Hải Phòng và ngược lại. Kiệu ghế được xem là một phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa với lượng du khách ngang với những khu nghỉ mát thời đó như Le Bockor (Campuchia), Mũi Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa…

Các mốc lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển

Thăm dò khảo sát – Tháng 1/1900:

Toàn quyền người Pháp Dourmer đã giao cho Đại úy Thủy quân Lục chiến Debay cùng các phụ tá khảo sát dãy Trường Sơn (bán kính khảo sát 150 km kể từ Đà nẵng ra Huế) nhằm tìm nơi điều dưỡng cho quân đội Pháp và người Pháp ở Trung kỳ.

Tháng 7/1900:
Đoàn tan rã, cuộc khảo sát không có kết quả.

Tháng 12/1900:

Toàn quyền Dourmer giao cho Đại úy Thủy quân lục chiến Debay cùng các phụ tá (trung úy Becker, Dechery – trung đoàn 3 lính bản xứ Bắc Kỳ, Venel – trung đoàn 10) tiếp tục cuộc khảo sát.

Tháng 11/1901:
Phái đoàn phát hiện “trong rặng núi của thung lũng Túy Loan một địa điểm khả dĩ có thể thiết lập nơi an dưỡng”.

Tháng 1/1912:

Toàn quyền Đông Dương ra quyết định xây dựng Bà Nà thành Khu Bảo tồn Lâm nghiệp.  Quyết định này đã thúc đẩy một bước quan trọng trong việc nghiên cứu ngọn núi và góp phần thu hút sự quan tâm đến nó.

Năm 1915:

Guibier, Giám đốc Sở Lâm nghiệp Trung bộ giao cho Marboul, Giám đốc Phân khu Lâm nghiệp Đà Nẵng khảo sát với hai nhiệm vụ:  nghiên cứu lâm nghiệp và tìm lại con đường Debay năm xưa.

Tháng 3/1919:

Thừa lệnh Guibier, Giám đốc Sở Lâm nghiệp Trung bộ, ông Coursange, nhân viên kiểm lâm tập sự, bổ đường Debay đi từ Túy Loan lên vòng quanh Cao Sơn An Lợi và bước vào đường ở cao trình 300 theo gợi ý của linh mục Vallet.

Thời kỳ kiến thiết (1922 – 1945):

Ty lục lộ Đà Nẵng được lệnh kiến thiết và sửa sang đường xe hơi từ chân núi lên đỉnh và các đường lưu thông khác giữa các đỉnh núi với nhau.  Thời điểm đó, du khách có thể đi xe hơi từ Đà Nẵng đến chân núi và đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh (khoảng 12 km).

Xây dựng khách sạn nhà hàng Morin đầu tiên để đón du khách.

Lần lượt các nhà gạch, nhà đúc, nhà ván được xây cất thay thế cho lều tranh lụp xụp, thiết lập các tiện nghi đời sống: điện, nước, vệ sinh công cộng, chợ búa, nhà giặt ủi, lò bánh mỳ, lò sát sinh, sân vận động, sở điện báo, đồn an ninh – cảnh sát, trạm y tế, cư xá cho công nhân viên người Việt, bồi bếp, các nơi du ngoạn,…
Lần lượt các dinh thự nghỉ mát rộng lớn của các viên chức cai trị cao cấp từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã góp mặt tại đây, khiến cho Bà Nà nhanh chóng trở thành một thị trấn nghỉ mát thực sự.

Thời kỳ hoang phế (1945):

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đánh dấu ngày cáo chung của chế độ Thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Pháp kiều cũng ra khỏi Quảng Nam – Đà Nẵng.  Bà Nà cũng vì thế mà trở nên vắng bóng người. – Để ngăn chặn không cho thực dân Pháp lợi dụng vị trí Bà Nà nằm sâu trong lòng hậu phương ta, nhân dân các vùng phụ cận Hòa Vang, Đại lộc, Điện Bàn, nhất quyết tiêu hủy Bà Nà cũng như phá hủy nhà của chính mình, thực hiện chiến lược tiêu thổ kháng chiến. -Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cả thị trấn đã thành bình địa.  Trên thị trấn điêu tàn này, cây rừng đã dần dần được phủ kín, vĩnh viễn xóa nốt di tích thực dân Đế quốc, trả lại sự tĩnh mịch vốn có của khu rừng nhiệt đới.

Hồi sinh và phát triển lần đầu, kể từ sau ngày Đà Nẵng được giải phóng:

Năm 1992, Công ty Du lịch – Dịch vụ Đà Nẵng (Danatours) đề xuất dự án khôi phục khu nghỉ mát Bà Nà nhưng bất thành vì thiếu nguồn tài chính.
Tháng 4/1997, Sở Du lịch Đà Nẵng đệ trình dự án tương tự, gọi vốn đầu tư khoảng 60 triệu đô la Mỹ.
Tháng 10/1997, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư tái thiết tuyến đường lên núi Bà Nà, cắm mốc hồi sinh cho một điểm du lịch đầy triển vọng.Đầu năm 1998, UBND Đà Nẵng ra tiếp quyết định xây dựng lại Khu nghỉ mát Bà Nà và giao cho Danatours quản l‎ý, khai thác. -Cả khu vực Bà Nà – Núi Chúa như một công trường: mở đường và trải nhựa, đưa điện trung thế 22KV lên, lắp đặt hệ thống thông tin điện thoại vô tuyến và hữu tuyến, hhẹ thống cấp thoát nước, nhà cửa, …cùng lúc được khẩn trương tiến hành với tất cả tâm huyết của người dân và Ban Lãnh đạo thành phố.

Tháng 9/1998, Khu nghỉ mát Bà Nà chính thức khai trương đón chào du khách đến từ mọi miền đất nước.  Con đường dài 16 km từ cầu An Lợi lên đỉnh Bà Nà đã được mở và khai thông.

Năm 1999, thành phố Đà Nẵng tiếp tục xây dựng hệ thống cáp treo dài 800m với 16 cabin từ đồi Vọng Nguyệt lên khu trung tâm Bà Nà, cầu treo nối trung tâm sườn bắc Núi Chúa để khách dạo chơi, ngắm cảnh, đồng thời xây dựng khu trung chuyển: nhà đón tiếp, nhà trưng bày, nhà để xe, bãi xe, phòng nghỉ, và đoàn xe trung chuyển.

Bà Nà đến thời điểm này đã sơ khai có những cơ sở lưu trú được tạo lập theo nhiều dạng thức: -biệt thự, khách sạn, khu nhà nghỉ, nhà sàn, … với gần 200 phòng nghỉ bình dân.  Nhưng cũng chính những công trình dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ và quản l‎ý thiếu chuyên nghiệp trong những năm sau đó đã không thực sự thu hút và đáp ứng được nhu cầu đa dạng phong phú về du lịch, vui chơi, nghỉ ngơi, … của du khách thập phương chưa xứng đáng với tiềm năng du lịch của một địa danh có nhiều tài nguyên hấp dẫn, đầy triển vọng như Bà Nà nói riêng và Đà Nẵng nói chung.

Năm 2003 – 2004:  Chùa Linh Ứng nằm trên đỉnh Bà Nà với độ cao gần 1.500m được xây dựng và khánh thành nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. -Kiến trúc chùa gần giống với kiến trúc của chùa Tam Thai với khoảng sân rộng được lót bằng đá. -Phía trước chùa có một cây thông rất đặc biệt với 03 loại lá khác nhau. Ấn tượng nhất là tượng Phật lộ thiên cao 27m, uy nghi giữa bốn bề lồng lộng mây trời gió núi. Tượng Phật được đúc bằng xi măng, ruột đúc đá xanh do thầy trò thầy trụ trì vào trong núi đục lấy về, bên ngoài là lớp áo sơn nước trắng muốt. Nhìn từ xa, qua làn sương bạc tượng Phật nổi bật lên như tranh tạc, ẩn ẩn hiện hiện một màu linh thiêng huyền diệu, khiến cho ai nhìn qua dù chưa thật phát đạo tâm vẫn kính cẩn hướng về để bày tỏ chút lòng bái ngưỡng tôn vinh.

Hồi sinh và phát triển mạnh mẽ lần hai – Công trình hiện đại:
25/3/2009:

Nhằm phục vụ nhu cầu du lịch khám phá, nghỉ dưỡng và tâm linh của đông đảo du khách, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Bà Nà – Suối Mơ và chính thức khai thác tuyến cáp treo này vào ngày 25/3/2009 sau 12 tháng thi công và 2 tháng chuẩn bị.  Tuyến cáp treo Bà Nà – Suối Mơ dài 5042,62m, gồm 22 trụ, 94 cabin, công suất phục vụ 1500 khách/giờ. Đây là tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất hiện nay, được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Cáp treo Bà Nà đã được Tổ chức kỷ lục Guinness Thế giới (Guinness World Records) chính thức công nhận và trao tặng chứng chỉ đạt 2 kỷ lục thế giới: cáp treo 1 dây dài nhất thế giới và có độ chênh cao nhất thế giới. Ngoài ra, điểm nổi bật của cáp treo Bà Nà so với những tuyến cáp treo khác là có dịch vụ cabin VIP và phòng chờ VIP tại nhà ga”.
7/2009:  Tuyến cáp treo thứ hai được khánh thành và đưa vào sử dụng (17 cabin) nhằm phục vụ việc đi lại của du khách từ đồi Vọng Nguyệt (cách chùa Linh Ứng khoảng 100m) lên đỉnh Bà Nà, nơi có khách sạn Morin và các khu nhà hàng, bar, vui chơi, giải trí, spa, …
Năm 2009:  cũng là năm đánh dấu sự ra đời của bốn nhà ga rộng lớn và hiện đại được xây theo lối kiến trúc nhà rường Hội An, phục vụ du khách đi lại trên hai tuyến cáp treo Bà Nà (được đánh giá là nhà ga có tổng diện tích sàn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ tính riêng Ga 1 & Ga 2 của tuyến cáp treo thứ nhất đã có tổng diện tích sàn 2.970 m2) với đầy đủ các khu vực đón tiếp, trưng bày tư liệu, hình ảnh Bà Nà xưa và nay, nhà hàng, café…, là sự lột xác và đổi mới hoàn toàn của một loạt khách sạn, biệt thự, phòng nghỉ, nhà hàng, bar, tiện nghi và hiện đại của Khu Nghỉ dưỡng Miền núi Bà Nà Hills.

Năm 2010:
Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Morin Spa…(chỉ khi spa này thực sự độc đáo, tầm cỡ, xứng đáng được liệt vào mốc sự kiện của Bà Nà còn nếu chỉ là spa nhỏ thì đưa vào phần Vì sao đến Bà Nà.)

TƯƠNG LAI – TIẾP TỤC NHỮNG DỰ ÁN THẾ KỶ…

Với những ưu đãi do thiên nhiên ban tặng, với nét đặc sắc riêng do nền văn hóa – kiến trúc giao thoa, dự án Quần thể Khu Du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ được đánh giá là đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành một khu du lịch độc đáo và hấp dẫn . Dự án được nghiên cứu với phong cách kiến trúc phong phú về thể loại, đa dạng về loại hình, nổi trội về chất lượng thẩm mỹ kiến trúc với sân gôn 36 lỗ, khu phố và thị trấn kiến trúc Pháp, Công viên bảo tồn và phát triển các động vật hoang dã và vui chơi giải trí, khu cắm trại, khu trang trại với các đồn điền trồng chè, khu khách sạn 5 sao, các khu biệt thự với kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, phục hồi các công trình cổ xưa thời Pháp… Trong tương lai gần, chắc chắn nơi đây thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước và quốc tế trong tam giác du lịch Đà Nẵng – Bà Nà – Hội An.
Bài viết liên quan